Chữ Đẹp Nhứt

 

 

Suy ngẫm cho thật sâu về chữ "Chia sẻ" - "To share" - "Partager", ta sẽ thấy nội hàm đẹp đẽ của nó có thể và rất cần mở rộng đến vô tận.

 

Cháu nội tôi khi 14 tuổi một lần hỏi tôi: "Ông ơi ông đọc nhiều, viết báo nữa, ông từng đọc và viết bao nhiêu là chữ, vậy thì theo ông chữ gì là đẹp nhất, hay nhất, có ý nghĩa nhất".

 

Câu hỏi cắc cớ, khó trả lời thật. Tôi để một tuần lễ để suy nghĩ và trả lời. Cái khó là chọn ra không phải một số chữ, mà chỉ một, chỉ một chữ mà thôi. Chữ đẹp, hay, có ý nghĩa thì khá nhiều. Xin thử kể ra: Lý tưởng, nhân đạo, tự do, tình thương, chân lý, sự thật, con người, bác ái, ánh sáng, tình bạn, nụ cười, tình yêu, chung thủy, hạnh phúc, tử tế, lương thiện, tâm, nhẫn, xuân, chúa, mẹ, con tôi, hoa, mây, trăng, sao, xuân, thơ...

 

Người Trung Quốc xưa quý các chữ: quân tử, trực ngôn, băng tâm...Người phương Tây ưa chữ: "oser" - dám làm, táo bạo; hay chữ " système D - débrouiller " - tháo vát, xoay xở, theo nghĩa tốt. Người công giáo ưa chữ "Dieu"- Thượng đế, hay " la Foi " - niềm tin; Bà Aung San Syu Ki - Miến Ðiện thích chữ: "No Fear" - không sợ - bất uý - dám làm, dám dấn thân...

 

Về mỗi chữ kể trên có thể viết ra một quyển sách dày để nói lên ý nghĩa và ca ngợi cái đẹp, cái hay của nội dung mỗi chữ hàm chứa.

 

Thế rồi tôi "đậu" lâu ở một chữ, nghiền ngẫm miên man và tuyển chọn có một chữ ghép: "Chia sẻ" Để rồi mê thích, không sao rời chữ ấy. Tại sao ư? xin tâm sự với bạn.

 

Con người là động vật xã hội. Quan hệ người với người diễn ra phổ biến hằng ngày, muôn hình muôn vẻ. Mỗi người lại có những nét riêng. Không ai giống hẳn ai, hệt như ai. Do đó có sự khác nhau, sự chênh lệch về mọi mặt. Khoẻ và yếu; cường tráng và bệnh tật; có học và ít học; giàu và nghèo; thừa mứa và thiếu thốn; hạnh phúc và đau khổ; vui và buồn.

 

Có những sự chênh lệch bi đát, "người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra". Về đất nước cũng vậy, có nước dân nghèo đói, ăn không no, còn chết đói hàng loạt, không vải che thân, rét cóng không than sưởi; có nước dân bị nạn béo phì vì ăn quá nhiều mỡ, nhiều chất bổ, người nặng trên dưới một tạ tăng nhanh, có nước dân chỉ là những bộ xương biết đi...Có nước giá trị sản lương bình quân đầu người / năm là 50 ngàn đôla, như ở Bắc Âu, có nước con số ấy là dưới 500 đôla, như ở Tây Phi, chênh hơn 100 lần!

 

Từ xa xưa, nhiều nhà hiền triết, nhiều lãnh đạo tôn giáo chủ trương và thực hiện việc từ thiện, trợ giúp người nghèo khổ sa cơ, cứu giúp kẻ ăn mày, người tàn tật, lập trại tế bần, trại hủi, trại mồ côi, cúng giỗ, phát chẩn những dịp rằm tháng 7, rằm tháng 8, ngày Đoan Ngọ tháng 5..."Thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách", "tu thân (nhân) tích đức"... đều là những việc thiện, chia sẻ, xoa dịu vô vàn đau khổ, giải quyết đôi phần bất công và nghèo đói trên trần gian.

 

Các nước giàu có và Liên Hiệp Quốc có những chủ trương, kế hoạch trợ giúp các nước nghèo nhất, cứu giúp các vùng bị thiên tai: hạn hán, lụt lội, sóng thần, dịch bệnh, động đất, núi lửa bộc phát, lại còn giảm nợ, xoá nợ cho một số nước nghèo. Chia sẻ đó!

 

Thế nhưng theo tôi, mọi người có thể làm được nhiều hơn, nhiều gấp bội lần đã qua, nếu như nhận thức và tình cảm về sự "chia sẻ" được cùng nhau trao đổi, trau dồi cho thật thấu đáo, sâu hơn, rộng hơn, bám rễ trong lòng mỗi người, thành một nếp sống, một quán tính, một thuộc tính của mỗi người sống trên trần gian này.

 

Suy ngẫm cho thật sâu về chữ "Chia sẻ" - "To share" - "Partager", ta sẽ thấy nội hàm đẹp đẽ của nó có thể và rất cần mở rộng đến vô tận.

 

Chia sẻ những gì ? chia sẻ cho những ai ? chia sẻ như thế nào? chia sẻ để làm gì?

 

Một mỉm cười, một nụ cười, một cái gật đầu, một cái nhìn thông cảm, một lời an ủi đều có thể là một sẻ chia quý giá, khi nó thay thế sự giá lạnh, dửng dưng, vô cảm hay có khi ác độc, kèn cựa với một người hàng xóm, một người quen biết...

 

Một tờ giấy bạc, những đồng tiền cho người sa cơ nghèo khổ, cho đến một triệu đồng, hoặc đến một ngàn đôla chia sẻ cho người thân, người quen khi cần thiết đều là những việc làm cần cân nhắc và quyết định. Tuỳ tình thế, một đồng của người cho tặng có khi giá trị gấp mười, gấp trăm lần với người nhận. Một miếng khi đói, một gói khi no.

 

Đã có những triệu phú, tỷ phú đôla ở phương Tây trước khi từ biệt cuộc đời này làm di chúc hiến tặng những số tiền khổng lồ cho Nhà Thờ để làm việc từ thiện, hiến tặng các Trường Đại học để mở mang giáo dục, cấp học bổng, trợ giúp các tổ chức Nghiên cứu phát minh y học để tìm biện pháp chữa trị các bệnh hiểm nghèo, hoặc để cấp những Giải thưởng lớn hằng năm, như Giải Nobel...Những chia sẻ đầy ý nghĩa phong phú lâu bền, nhiều mặt, mang tính nhân văn sâu đậm.

 

Còn với mỗi người bình thường chúng ta? Chia sẻ cho ai? Xin tuỳ bạn, tuỳ ý tốt của bạn, tuỳ khả năng của bạn. Tự do chia sẻ, tự giác chia sẻ, chủ động chia sẻ, vô tư chia sẻ, vị tha chia sẻ. Không để tìm kiếm hư danh, không để được mang ơn, được khen ngợi, được nổi tiếng. Cách cho còn quý hơn thứ cho.

 

Mỗi người chúng ta, xin hãy tự mình xây dựng cho riêng mình nội dung của chữ "Chia sẻ", tự mình định nghĩa bằng thử nghiệm, sẽ rất hứng thú, vui trong nội tâm, lạc quan, nhận ra cuộc đời mới đáng sống làm sao. Nụ cười nội tâm sẽ nở, nở hoài.

 

Một cái nhìn thân thiện, một nụ cười kín đáo, một cái gật đầu nhẹ, một lời chào hỏi với người láng giềng chưa quen là mở đầu của quan hệ chia sẻ.

 

Trong mỗi nhà, thường có những vật dụng dư thừa, không dùng hết, sách vở, áo quần, mũ giày, thuốc men còn thời hạn, bạn hãy tìm cách chia sẻ cho người có thể cần đến.

 

Ở phương Tây, có tập quán hội Hồng thập tự vận động dân cư quyên góp áo quần cũ, người chia sẻ giặt dũ sạch sẽ, gập, gói những đồ mình hiến tặng; cả những bàn ghế, sa lông, giường tủ, tủ lạnh, bếp vi ba, máy vô tuyến thu thanh, computơ... còn dùng được, cũng được lau chùi rồi đặt ra ngoài cửa cho người cần đến nhận đi.

 

Vậy là có thể chia sẻ mọi thứ, tình cảm, an ủi, khuyến khích, kinh nghiệm, hiểu biết, vật chất, tiền của, vật dụng, từ nhỏ đến lớn, từ gần đến xa... luôn lòng rộng mở. Một xã hội chia sẻ, ai cũng cho, ai cũng nhận, mọi người sẽ "giàu" lên theo cấp số nhân.

 

Ở một xã hội ganh đua, cạnh tranh quyết liệt, rất ít tình nghĩa, người với người có khi lạnh giá, lại còn chửi rủa, văng tục, sửng cồ, ẩu đả...bất cứ vì chuyện gì chẳng đâu vào đâu, thì sự chia sẻ như một lối sống chung càng cần thiết đến cấp bách.

 

Ước mong nước ta có những câu lạc bộ chia sẻ, tuần báo Chia sẻ, mạng webside chia sẻ, các trạm thu phát chia sẻ, những hội luận về chia sẻ, chống lại cái trào lưu cướp của, cướp đất của quan chức hư hỏng, từ cao đến thấp đang lan tràn không sao ngăn chặn nổi, làm tan nát gia tài vật chất và đạo lý của Cha Ông để lại.

 

Trong tình thế nhiễu nhương hiện tại, mọi việc làm mang bản chất thiện căn, xoa dịu đau thương, giảm nhẹ bất công...đều mang ý nghĩa cứu dân, cứu nước, sưởi ấm xã hội bằng tình Người, không thể để xã hội băng hoại thêm nữa.

 


main menu





 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

.